Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
14/3/12

Bánh rán miền Pimienta - O. Henry

Bánh rán miền Pimienta
O. Henry
Ngô Vĩnh Viễn dịch

Trong lúc tôi đang quây một đàn gia súc có đánh dấu hình tam giác và chữ O trong vùng lòng chảo Frio thì một cành chĩa ngang của một cây “lá cánh bướm” đã chết khô vướng vào bàn đạp gỗ của tôi làm tôi bị trẹo cổ chân, phải nằm khoèo ở trại mất một tuần.
Ngày thứ ba trong thời gian nhàn hạ bất đắc dĩ ấy, tôi lết ra gần xe nấu ăn và ngả mình ngồi chết dí một chỗ, nghe Judson Odom, anh chàng nấu bếp của trại, nói chuyện huyên thuyên. Jud là một tay độc thoại bẩm sinh, nhưng lại bị một số mệnh vốn trớ trêu đặt vào một nghề mà phần lớn thời gian anh ta không có thính giả.
Cho nên vớ được tôi, anh ta như nắng hạn gặp mưa rào.
Vả lại, tôi cũng bị những sự thèm thuồng của người phải nằm một chỗ thôi thúc, muốn được ăn một cái gì không thuộc vào mục “lương thực”. Tôi mơ tưởng đến cái buồng để thức ăn của mẹ tôi, những mơ tưởng “sâu sắc như mối tình đầu và mãnh liệt vì nhớ tiếc”, tôi hỏi:
- Jud này, anh có biết làm bánh rán không?
Jud đặt khẩu súng lục xuống, anh đang cầm khẩu súng để giần một miếng thịt thăn dê rừng, rồi đi lại đứng lù lù bên cạnh tôi với một thái độ mà tôi cảm thấy có vẻ hăm dọa. Đôi mắt màu lam nhạt của anh nhìn tôi trừng trừng với một vẻ nghi ngờ lạnh lẽo, càng xác nhận thêm cảm giác của tôi về thái độ căm tức của anh.
-  Này chú mày, – anh nói với một giọng giận dữ rõ ràng tuy không phải là giận dữ ghê gớm lắm – chú mày hỏi thật hay định chọc tao đấy? Có đứa nào đã kể cho chú mày nghe về tao và chuyện bánh rán phải không?
-  Không, Jud ạ, - tôi thành thực nói – tôi hỏi thật đấy. Tôi sẵn sàng đánh đổi con ngựa của tôi kèm theo cả yên cương lấy một chồng bánh rán vàng ngậy phết bơ với vài quả táo ngọt vùng New Orleans đầu mùa, loại to ấy. Có chuyện về bánh rán hả?
Thấy tôi không có ý bóng gió xỏ xiên gì, Jud im lặng. Anh lấy mấy cái túi, mấy hộp sắt tây bí mật trong xe lương thực ra, đem lại để dưới bóng cây tầm ma, nơi tôi đang ngả mình. Tôi ngắm nhìn anh thong thả sắp xếp và cởi những dây nhợ chằng chịt buộc các thứ đó.
- Không, không phải là một câu chuyện, - Jud vừa làm vừa nói – mà chỉ là những việc tất nhiên phải xảy ra trong trường hợp giữa tôi và thằng cha ngủ ngày mắt đỏ ở Mired Mule Canada và cô Willella Learight. Kể lại cho chú mày nghe cũng chẳng sao.
***
Hồi ấy, tớ đang chăn bò cho lão Bill Toomey ở trại San Miguel. Một hôm, chợt hứng lên, tớ thèm chén một ít đồ hộp, loại chưa hề bao giờ kêu bò… ò, be-be, ủn ỉn hoặc không xơi cái thứ ăn đong từng đấu. Thế là tớ nhảy lên lưng ngựa, phóng như gió đến cửa hàng bác Emsley ở chỗ ngã tư Pimienta bên sông Nueces.
Khoảng ba giờ chiều, tớ ném dây cương lên cành một cây lá bướm và đi bộ hai mươi thước và cuối cùng đến cửa hàng bác Emsley. Tớ phốc lên quầy hàng và báo cho bác Emsley biết rằng có những dấu hiệu cho thấy sắp có một cuộc tàn phá các trái cây của thế giới đã thu hoạch được. Một phút sau, tớ đã có một túi bánh ròn, một cái thìa dài và bên cạnh tớ là mơ, dứa, anh đào, mận trắng, mỗi thứ một hộp mở sẵn, còn bác Emsley bận rộn dùng cái rìu nhỏ mở tiếp các hộp khác. Tớ đang cảm thấy mình như ông Adam trước khi bị tống cổ ra khỏi thiên đường vì chuyện quả táo, đang thích chí thúc gót giày có đinh thúc ngựa vào thành quầy đang hoạt động với cái thìa dài hai mươi bốn inch thì tình cờ tớ nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn vào trong sân nhà bác Emsley ở kề bên cạnh cửa hàng.
             Có một cô gái đang đứng đó, một cô gái mà cách ăn mặc tỏ ra là từ nơi khác tới. Cô ta đang đùa giỡn với một cái vồ đánh croquet và đang giải trí bằng cách ngắm nhìn cái kiểu của tớ khuyến khích nền kỹ nghệ hoa quả đóng hộp.
Tớ liền tụt từ trên quầy xuống và đưa trả cái thìa to như cái xẻng cho bác Emsley.
“Cháu gái tôi đấy” – bác ta nói – “Cô Willella Learight, từ Palestine tới đây thăm gia đình tôi. Anh có muốn tôi giới thiệu anh làm quen với cháu không?”
“Đất thánh!” – tớ tự nhủ, ý nghĩ của tớ hơi rối loạn, trong khi tớ cố lùa chúng vào chuồng – “Sao lại không? Chắc chắn là có tiên ở Pales… Ồ vâng, bác Emsley” – tớ nói to – “Tôi rất lấy làm hân hạnh được làm quen với cô Learight.”
Thế là bác Emsley dẫn tớ ra góc sân giới thiệu chúng tớ với nhau.
Tớ xưa nay vốn không phải là thằng nhát gái. Tớ không bao giờ hiểu nổi tại sao có những thằng cha có thể trị được một con ngựa rừng trước khi ăn sáng và cạo râu được trong bóng tối mà lại cứ lúng ta lúng túng toát cả mồ hôi, luôn miệng ấp úng xin lỗi, mỗi khi trông thấy một mảnh vải hoa choàng lên những cái ở bên trong mảnh vải. Chỉ trong vòng tám phút, tớ và cô Willella đã đánh bóng croquet với nhau, thân mật như hai anh  em họ vậy. Cô ta kháy tớ về khối lượng quả hộp tớ đã chén và tớ trả miếng lại thẳng cánh, nói về một bà Eva nào đó đã gây ra câu chuyện rắc rối về một trái cây như thế nào, trên cánh đồng cỏ tự do đầu tiên… “ở mạn Palestine phải không?”, tớ hỏi, ung dung dễ dàng như quẳng thòng lọng bắt một con ngựa non một tuổi vậy.
Tớ đã làm thân để được gần gũi cô Willella Learight như vậy. Thời gian trôi qua, tình cảm càng lớn lên, cô ta dừng chân ở Pimienta để bồi dưỡng sức khỏe – sức khỏe cô ta rất tốt – và cũng vì khí hậu ở đây ấm hơn Palestine đến bốn mươi phần trăm. Một thời gian, cứ mỗi tuần tớ lại cưỡi ngựa đến thăm cô ta một lần rồi tớ bỗng tính ra rằng nếu tớ nhân đôi các chuyến đi ấy tớ sẽ được gặp cô ta nhiều hơn gấp hai lần.
Một tuần lễ nọ, tớ chuyển sang đi thăm thêm một lần thứ ba và đó chính là lúc bánh rán và thằng cha ngủ ngày mắt đỏ nhập cuộc.
Chiều hôm ấy đang ngồi chễm chệ trên quầy, mồm nhai một quả đào và hai quả mận tía, tớ hỏi thăm bác Emsley về sức khỏe của cô Willella.
“Ấy” – bác Emsley nói – “Nó vừa cưỡi ngựa đi chơi với Jackson Bird, anh chàng nuôi cừu ở Mired Mule Canada đấy mà.”        
Tớ nuốt chửng luôn cả hột đào và hai hột mận. Tớ đoán chừng như có ai đã phải dùng dây cương túm chặt lấy quầy hàng khi tớ nhảy xuống đất và tớ bước thẳng ra ngoài cho đến khi húc phải cây lá bướm, nơi buộc con ngựa lang của tớ.
“Nàng đã cưỡi ngựa đi chơi với Birdstone Jack” – tớ thì thầm vào tai con ngựa – “thằng con lừa làm thuê ở Canada của gã nuôi cừu.(1) Mày có hiểu không, bạn già yên cương của ta ơi?”
Con ngựa của tớ khóc theo kiểu của nó. Nó đã được nuôi dưỡng để làm một chú ngựa chăn bò và không ưa những tên “ngủ ngày”. (2)
Tớ quay lại hỏi bác Emsley. “Bác vừa bảo là một tay nuôi cừu phải không?”
“Tôi nói là một tay nuôi cừu” – Bác Emsley nhắc lại – “Hẳn anh cũng đã nghe nói về Jackson Bird rồi chứ. Anh ấy có tám khu đồng cỏ và bốn nghìn con cừu Merinos loại tốt nhất kể từ vùng Bắc cực trở xuống phía nam.”
Tớ đi ra ngoài, ngồi bệt xuống đất dưới bóng râm của cửa hàng, tựa lưng vào gốc cây lê đầy gai, bàn tay tớ bất giác bốc cát rốc vào ủng, miệng thì lảm nhảm một mình về con chim khoác bộ lông Jackson vào tên nó.
Tớ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hành hung đám chăn cừu. Có một hôm tớ đã trông thấy một gã ngồi trên lưng ngựa, đọc một cuốn văn phạm La tinh, tớ cũng không hề động chạm đến hắn! Bọn họ chưa bao giờ làm tớ phải bực mình như đối với phần lớn các tay chăn bò khác. Ai lại đi sinh sự, gây gổ, đánh vỡ mày vỡ mặt những thằng cha “ngủ ngày”, ngồi ăn ở bàn đi giày không cổ, và toàn nói chuyện về những vấn đề này nọ, có phải không nào? Xưa nay tớ vẫn để bọn họ đi qua, như người ta để mặc một gã “thỏ đực”(3) đi qua, với một lời chào lịch sự và một câu vu vơ dự đoán thời tiết, nhưng không có dừng lại chia nhau ca men thức ăn bao giờ. Xưa nay tớ vẫn cho rằng gây gổ  với một gã “ngủ ngày” thật chẳng bõ. Ấy chính vì tớ đã tỏ ra nhân từ, để cho chúng sống, mà bây giờ có một thằng đang cưỡi ngựa đi chơi với cô Willella Learight đấy!
Cứ theo bóng mặt trời mà đoán chừng thì khoảng một giờ sau, họ phi ngựa về và dừng lại trước cổng nhà bác Emsley. Gã nuôi cừu đỡ cô Willella xuống ngựa rồi hai người đứng đó đối đáp với nhau một lúc lâu, toàn những câu hoạt bát, sâu sắc. Đoạn cái thằng Jackson lông chim ấy nhảy lên yên và nhấc cái mũ trông như chiếc xoong con, chào rồi cho ngựa phi nước kiệu về phía trại cừu của hắn. Trong khi ấy, tớ đã rốc hết cát trong ủng ra và nhổ người ra khỏi cây lê gai, rồi khi hắn đã rời khỏi Pimienta được nửa dặm, thì tớ đã phi ngựa tới áp sát bên cạnh hắn, chân chạm đất.
Tớ có nói là thằng “ngủ ngày” này mắt đỏ nhưng không đúng thế đâu. Cơ quan nhìn ngó của hắn màu xám khá sẫm, nhưng lông mi thì hồng và tóc tai vàng như cát, cho nên người ta có cảm giác đó. Một gã nuôi cừu, dẫu sao thì hắn cũng không hơn gì một tay chăn chiên – một thằng nhãi ranh, cố quên một chiếc khăn lụa màu vàng, dây giày tết thành nơ.
“Chào” – tớ bảo hắn – “Lúc này anh bạn đang cưỡi ngựa đi cạnh một kỵ sĩ mà người ta thường gọi là Judson tử thần, do cái cách bắn súng của tớ. Khi muốn cho một người lạ biết về tớ, bao giờ tớ cũng tự giới thiệu trước khi rút súng vì tớ không muốn phải bắt tay với ma.”
“A” – hắn nói, đúng như thế này – “A, ông Judson, rất vui mừng được gặp ông. Tôi là Jackson Bird, ở trại chăn nuôi Mired Mule.”
Vừa lúc đó một mắt tớ trông thấy một con chim cu đất đang từ trên đồi nhảy choi choi xuống, vừa ngậm một chú nhện rừng non, còn mắt kia trông thấy một con ó săn thỏ đậu trên một cành khô. Tớ nổ súng đoàng đoàng liền hai phát với khẩu bốn mươi lăm của tớ, cốt để cho hắn thấy. “Ba con chết hai rồi đó”, tớ nói, “hình như cứ gặp chim ở đâu là tự nhiên tớ phải rút súng.”
“Bắn cừ lắm” – gã nuôi cừu nói, không hề xao xuyến – “nhưng thỉnh thoảng có bao giờ ông bạn bắn trượt phát thứ ba không? Trận mưa tuần vừa qua thật là tuyệt cho cỏ non, ông Judson nhỉ.”
“Này chú chim rẽ” – tớ vừa nói vừa thúc ngựa sấn tới sát con ngựa ranh của hắn – “Bố mẹ của chú mày đã đặt tên cho chú mày là Jackson. Nhưng đúng là chú mày đã thay lông đổi cốt thành một chú chim rẽ líu lo rồi. Thôi đi, hãy vứt cái chuyện phân tích mưa nắng, đất trời ấy đi mà nói thẳng vào câu chuyện không dùng đến những lời lẽ của con vẹt. Chú mày cưỡi ngựa đi chơi với cô gái ở Pimienta là một thói quen xấu! Tao biết có những con chim chưa làm đến như thế mà đã bị quay bày lên đĩa rồi đấy. Cô Willella không bao giờ cần đến một cái tổ làm bằng lông cừu do một con dẻ cùi thuộc họ Jackson của ngành chim chóc làm ra đâu. Giờ thì chú mày muốn cút thẳng hay là muốn đấu với tử thần gắn liền với tên tớ, nó đáng giá hai gạch nối và ít nhất cũng đáng giá một đám ma đấy.”
Jackson Bird hơi đỏ mặt nhưng rồi hắn cười lớn.
“Ô kìa, ông Judson, ông nghĩ nhầm rồi” – hắn nói – “Tôi có đến thăm cô Learight vài lần nhưng không phải với ý định như ông tưởng đâu. Mục đích của tôi hoàn toàn chỉ nhằm chuyện ăn uống thôi.”
            Tôi thò tay nắm lấy súng và bảo:
“Bất cứ con chó rừng nào ba hoa về…”
“Hãy khoan đã” – tên Bird ấy nói – “để tôi giải thích. Tôi có vợ để làm gì? Giá mà ông thấy cái trại của tôi. Tôi tự nấu lấy, may vá lấy, ông đã nếm bánh rán của cô Learight làm bao giờ chưa?”
“Tớ ấy à? Chưa” – tớ bảo hắn – “Tớ chưa hề biết cô ấy thạo món nấu nướng.”
“Những chiếc bánh rán đó là những tia nắng vàng rực rỡ, dưới ngọn lửa thần thánh của Epicurus nhuốm màu vàng rộm như mật ong” – hắn nói – “Tôi sẵn sàng đánh đổi hai năm của cuộc đời mình để có được cái công thức làm bánh rán ấy. Chính vì thế mà tôi đến thăm cô Learight. Nhưng tôi vẫn chưa moi được công thức ấy của cô ta. Đó là một công thức cổ xưa, gia truyền đã bảy mươi lăm năm nay rồi, từ đời này qua đời khác, nhưng không để lọt ra cho người ngoài biết. Tôi mà lấy được công thức ấy tôi sẽ tự làm lấy bánh rán ở trại của tôi. Tôi sẽ là một con người sung sướng.”
“Chú mày chắc chắn là không theo đuổi cái bàn tay nhào nặn bánh rán ấy chứ?” – Tôi hỏi hắn.
“Dứt khoát là thế rồi” – Jackson nói. “Cô Learight là một cô gái rất xinh, nhưng tôi có thể cam đoan với ông được rằng ý định của tôi không hề đi qua mục đích muốn…” – thấy tôi thò tay xuống bao súng, hắn vội đổi giọng – “không đi quá lòng mong muốn có được bản sao công thức làm bánh rán.”
“Chú mày cũng chưa đến nỗi là một thằng lỏi xấu” – tớ nói, cố tỏ ra công bằng – “tớ đã nghĩ đến chuyện làm cho đàn cừu của chú mày  mồ côi, nhưng lần này thì tớ tha. Nhưng phải đóng khung trong vấn đề bánh rán đấy nhé, như chiếc bánh nằm giữa chồng bánh ấy, chớ có nhầm lẫn nước đường với tình cảm. Nếu không người ta sẽ ca hát ở trại của chú mày, chú mày cũng sẽ chẳng nghe thấy gì đâu.”
“Để ông tin là tôi thành thực,” – gã nuôi cừu nói – “tôi xin nhờ ông giúp tôi vậy. Cô Learight với ông là chỗ thân tình hơn, có thể cô ấy sẽ làm cho ông những gì không muốn làm cho tôi. Nếu ông lấy được cho tôi một bản sao công thức làm bánh rán ấy, tôi xin hứa với ông là tôi sẽ không bao giờ còn đến thăm cô ấy nữa.”
“Như thế là sòng phẳng” – tôi nói và bắt tay Jackson Bird. “Nếu có thể được, tớ sẽ lấy cho cậu và rất vui lòng giúp đỡ cậu.”
Thế là hắn rẽ ngựa xuống cánh đồng có cây lê to bên bờ song Piedra, phóng về phía Mule, còn tớ thì rẽ sang phía tây bắc, quay về trại của lão Bill Toomey.
Năm ngày sau, tớ mới lại có dịp phóng ngựa đến thăm Pimienta. Tại nhà Emsley, cô Willella và tớ đã qua một buổi tối thú vị. Cô Willella hát ít thôi nhưng quấy rầy chiếc đàn piano khá nhiều với những đoạn trích trong các vở kịch. Tớ thì bắt chước tiếng rắn duối kêu, và kể cho cô ấy nghe kiểu lột da bò mói của McFee mãng xà và tả lại chuyến tớ đi Saint Louis trước đây. Cô ấy và tớ càng thêm quý mến nhau. Tớ nghĩ bụng, nếu bây giờ mà thuyết phục được gã Jackson rời đi chỗ khác là tớ sẽ thắng. Tớ nhớ lại lời hứa của hắn về công thức bánh rán và tớ tin là mình sẽ thuyết phục được cô Willella cho biết công thức ấy, rồi đem cho hắn. Sau đó mà còn bắt gặp chú chim nhóc thò ra khỏi Mired Mule tớ sẽ cho hắn lộn cổ khỏi cành.
Thế là lúc khoảng mười giờ tớ mỉm cười một nụ cười thật ngọt, nói với cô Willella Learight: “Lúc này, nếu có cái gì tôi thích hơn cả trông thấy một chú bò mông đỏ trên nền cỏ xanh, thì chính là được nếm một chiếc bánh rán ngon lành, nóng sốt, ngâm trong mật mía!”
Cô Willella đang ngồi trên chiếc ghế bành đánh đàn piano bỗng giật nẩy mình và tò mò nhìn tôi.
“Vâng, bánh rán quả là ngon” – cô nói – “Ông Odom này, ông bảo cái phố ở Saint Louis chỗ ông đánh mất cái mũ ấy, gọi là phố gì nhỉ?”
“Đại lộ bánh rán” – tớ nói và nháy mắt một cái để tỏ cho cô biết là tớ đang nhằm vào cái công thức gia truyền. Không để ai lái mình lệch ra ngoài vấn đề đó được. “Nào, cô Willella, cô hãy cho tôi biết cô làm bánh rán như thế nào đi. Bánh rán đang quay tít mù trong đầu tôi như những bánh xe ngựa đây. Nào, ta bắt đầu nhé… nửa cân bột mì, tám tá trứng, và vân vân. Mục lục các nguyên liệu có những gì nhỉ?”
“Xin lỗi anh một lát nhé” – cô Willella nói và liếc nhìn trộm tớ một cái rất nhanh rồi rời khỏi ghế. Cô vội vã đi sang buồng bên và lập tức bác Emsley mặc sơ mi trần bước vào mang theo một vò nước. Bác xoay người với chiếc cốc trên bàn và tớ trông thấy một khẩu bốn mươi lăm trong túi quần đằng sau của bác. Trời đất ơi! Tớ thầm nghĩ. Gia đình này quả là rất coi trọng các công thức nấu ăn, đem cả súng ống ra bảo vệ. Mình biết có những nhà thù nhau đời này qua đời khác mà cũng không đến nỗi làm như thế.
“Này, uống ngay đi” – bác Emsley nói và đưa cho tớ một cốc nước. Hôm nay, anh cưỡi ngựa đi một đoạn đường xa quá đấy, Jud ạ. Anh đã bị kích động nhiều. Giờ thì hãy cố nghĩ đến một cái gì khác đi.”
“Thế bác có biết làm bánh rán thế nào không, bác Emsley?” – tớ hỏi.
“Ấy, tôi chẳng thạo được như ai về cơ cấu của bánh rán, nhưng tôi cho là cứ lấy một cái rây để rây thạch cao mịn ấy mà, một ít bột đã nhào, bột mì và bột ngô rồi đem trộn với trứng, sữa đã hớt bơ đi rồi, như người ta vẫn thường làm ấy. Mùa xuân này cụ Bill có chở thịt bò đi Kansas City nữa không, anh Jud?”
Tối hôm ấy tớ chỉ biết được cách làm bánh rán có thế thôi. Không lạ gì mà Jackson Bird coi đó là một việc gay go. Tớ bèn bỏ qua chuyện ấy, chuyển sang tán gẫu với bác Emsley về chuyện tù và bão lốc. Rồi cô Willella lại ra chào tớ “chúc ngủ ngon” và tớ phóng ngựa về trại.
Khoảng một tuần sau, tớ gặp Jackson Bird cưỡi ngựa từ Pimienta đi ra trong lúc tớ đang cưỡi ngựa đi vào và chúng tớ dừng lại giữa đường trao đổi với nhau vài câu chuyện phiếm.
“Đã lấy được bản kê nguyên liệu làm bánh rán chưa?” – tớ hỏi.
“Chà, chưa” – Jackson đáp. – “Tôi có vẻ như không hy vọng gì thành công được trong việc này. Ông đã thử hỏi hộ chưa?”
“Đã” – tớ nói. – “Thật chẳng khác gì lấy cái vỏ lạc để đào hang bắt một con chó rừng ấy. Họ cứ khư khư giữ chặt lấy cái công thức ấy, chắc chắn phải là của quý lắm.”
“Tôi đến bỏ cuộc mất thôi,” – Jackson nói, giọng chán nản đến nỗi tớ cảm thấy thương hại. – “Nhưng tôi lại rất muốn biết cách làm bánh rán để thưởng thức ở cái trại hẻo lánh của tôi. Đêm đêm, tôi nằm thao thức mơ tưởng đến những chiếc bánh rán ngon biết mấy.”
“Cậu cứ cố gắng kiên trì, và tớ cũng sẽ cố gắng. Chẳng bao lâu, một trong hai đứa chúng ta sẽ tròng được thòng lọng vào sừng nó. Thôi, tạm biệt Jackson.”
Chú mày biết không, khi ấy quan hệ giữa Jackson và tớ hết sức bình thường. Khi thấy hắn không có ý theo đuổi cô Willella, tớ đã có thái độ nhẫn nại hơn đối với gã “ngủ ngày” tóc vàng hoe ấy. Để giúp đỡ lòng khao khát thèm ăn của hắn, tớ tiếp tục tìm cách cố moi lấy công thức bánh rán của cô Willella. Nhưng hễ tớ nhắc đến hai chữ “bánh rán” là y như rằng mắt cô ta lại lộ vẻ xa xôi, bồn chồn cố tìm cách lảng sang chuyện khác. Nếu tớ cố lái cô vào chuyện bánh rán là cô sẽ tìm cách chuồn và bác Emsley lại xuất hiện với vò nước và khẩu súng gộc ở túi quần đằng sau.
Một hôm tớ phóng ngựa đến cửa hàng với một bó hoa mã tiên thảo xanh rất đẹp. Tớ đã hái trong một đám hoa dại ở tận cánh đồng cỏ Chó Phải Bả. Bác Emsley nheo một bên mắt nhìn bó hoa và bảo:
“Anh chưa biết tin ư?”
“Bò tới à?”
“Willella và Jackson vừa làm lễ cưới ở Palestine hôm qua. Tôi vừa nhận được thư sáng nay.”
Tớ đánh rơi bó hoa vào một thùng đựng bánh ròn và để mặc cho cái tin đó chảy nhỏ giọt vào tai, chảy xuống túi áo sơ mi xuống bên trái rồi xuống đến tận bàn chân.
“Phiền bác làm ơn nhắc lại một lần nữa được không, bác Emsley? Có lẽ tôi đã trở nên nghễnh ngãng và bác chỉ nói là bò cái to hạng nhất giá 4,8 một cân hay đại để một chuyện gì như thế thôi chăng.”
“Cưới hôm qua” – bác Emsley nói, “và đã đi tuần trăng mật ở thác Niagara và Waco rồi. Trời ơi, thế ra suốt thời gian ấy anh chẳng hay biết gì ư? Jackson Bird đã theo đuổi Willella ngay từ hôm anh ta đưa cô ấy cưỡi ngựa đi chơi kia mà.”

“Vậy thì” – tôi nói như hét lên – “tất cả những chuyện ba lăng nhăng hắn nói với tôi về bánh rán là cái gì? Bác hãy nói tôi nghe nào.”
Thấy tớ nói đến “bánh rán” bác Emsley bỗng như có vẻ tránh né và lùi lại.
“Có đứa đã đem bánh rán ra tháu cáy với tôi” – tớ nói – “và tôi sẽ tìm ra nó cho mà xem. Tôi tin là bác biết. Nói ra, nếu không tất cả chỗ này sẽ thành nhân làm bánh rán ngay lập tức…”
Tớ trườn qua quầy đuổi theo bác Emsley. Bác ta định vớ lấy khẩu súng nhưng súng lại để trong ngăn kéo nên bác vồ trượt nó năm phân. Tớ túm lấy ngực áo sơ mi bác ta, dồn bác ta vào một góc nhà.
“Hãy nói chuyện bánh rán đi” – tớ bảo – “nếu không bác sẽ thành một cái bánh rán cho mà xem. Cô Willella có làm bánh rán không?”
“Cả đời nó chưa hề làm một cái bánh rán bao giờ, và tôi cũng chưa từng trông thấy một cái nào bao giờ.” – Bác Emsley đấu dịu, nói. – “Hãy bình tĩnh lại nào, Jud hãy bình tĩnh. Anh bị kích động mạnh và vết thương trong đầu anh lại làm anh mất tỉnh táo sáng suốt rồi. Cố đừng nghĩ đến bánh rán nữa.”
“Bác Emsley,” – tớ nói – “Tôi không hề bị thương ở đầu bao giờ, trừ có điều là bản năng suy nghĩ tự nhiên của tôi, hay hướng về bê, bò, Jackson Bird nói với tôi là nó đến thăm cô Willella với mục đích tìm ra cách thức làm bánh rán của cô ấy và nó còn nhờ tôi lấy giúp nó bản kê liều lượng các nguyên liệu. Tôi đã làm giúp nó và kết quả như bác đã thấy đấy. Tôi đã bị một thằng “ngủ ngày” mắt đỏ cho vào xiếc rồi hay là thế nào đây?”
“Buông áo tôi ra đã,” – bác Emsley nói – “rồi tôi kể cho anh nghe. Phải, hình như Jackson Bird đã xỏ anh một vố thì phải. Hôm hắn cưỡi ngựa đi chơi với Willella, hắn có trở lại bảo tôi và con cháu là phải coi chừng anh mỗi khi anh nói đến chuyện bánh rán. Hắn bảo là có một lần ở trại, người ta đang rán bánh thì một thằng cha đã cầm cái chảo quật vào đầu anh. Jackson nói rằng mỗi khi anh nổi nóng hay bị kích động vết thương ấy lại làm anh đau và hầu như mất trí, anh sẽ nói lảm nhảm về bánh rán. Hắn bảo chúng tôi là những khi ấy phải tìm cách xoay anh sang chuyện khác, làm cho anh dịu đi thì sẽ không có gì nguy hiểm. Cho nên tôi và Willella đã làm hết sức mình để giúp anh. Phải, phải, anh chàng Jackson Bird này quả là một tay ngủ ngày hiếm có.”
***
Trong khi kể chuyện, Jud thong thả, nhưng khéo léo hòa thêm một ít các thứ đựng trong các túi, các thùng của anh. Đến khi gần kết thúc câu chuyện, anh đã đặt trước mặt tôi, sản phẩm của anh đã hoàn thành: một cặp bánh rán nóng bỏng, vàng ngậy trên một cái đĩa sắt tây. Từ một nơi tàng trữ bí mật nào đó, anh còn mang ra một miếng bơ hảo hạng và một chai nước đường vàng óng.
- Những chuyện ấy xảy ra cách đây bao lâu? – tôi hỏi.
- Ba năm rồi, - Jud nói. – Hiện giờ họ sống ở trại Mired Mule. Nhưng từ bấy đến nay, tớ không hề gặp lại một người nào trong hai người. Nghe nói trong suốt thời gian Jackson Bird cho tớ leo cây bánh rán, hắn đã ra sức trang hoàng trại của hắn, nào ghế xích đu ư, nào rèm cửa ư. Chậc, được một thời gian thì tớ cũng hết sức bực tức. Nhưng anh em họ cứ kháo nhau mãi về chuyện ấy.
-  Có phải anh làm mấy chiếc bánh rán này theo cái công thức trứ danh ấy phải không? – tôi hỏi.
-  Tớ đã chẳng bảo chú mày là có công thức quái gì đâu kia chứ? – Jud nói. – Anh em họ cứ tán chuyện bánh rán mãi đâm ra thèm bánh rán, tớ bèn cắt lấy cái công thức này ở một tờ báo. Chú mày ăn thấy thế nào?
- Ngon tuyệt, - tôi đáp. – Sao anh không cùng ăn vài miếng, anh Jud?
Rõ ràng là tôi có nghe thấy một tiếng thở dài.
- Tớ ấy ư? Tớ chẳng bao giờ ăn bánh rán cả.

Chú thích:
(1)  Trong cơn choáng váng, Jud nhầm lẫn “Jackson Bird” thành “Birdstone Jack”, và “the sheepman at Mired Mule Canada” thành “the hired mule from Sheep Man's Canada”.
(2) Dân chăn bò khinh dân chăn cừu là suốt ngày chỉ ngủ gà ngủ gật.
(3) “Thỏ đực”: biệt hiệu gọi người bang Texas.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com