Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
26/2/12

Chuyện về dòng điện yếu - V. Piesuk

Chuyện về dòng điện yếu  
Viacheslav Piesuk
Đào Minh Hiệp dịch

            Vào những năm tôi còn trẻ, có một dạo người ta thường bắt gặp một người đàn ông khá kỳ lạ trên phố Gorky hay trong các ngõ nhỏ cạnh cổng Nikita, trên các đại lộ gần đài tưởng niệm Sterenka và Griboedov, hay bên cạnh các nhà ga. Người đàn ông đó lúc nào cũng đội cái mũ lưỡi trai có gắn bông hoa giấy thay cho phù hiệu và mặc bộ vét bằng vải dạ đen có gắn vô số huân huy chương làm bằng sắt tây trên ve áo và ngực áo.
            Người đàn ông lập dị đó chính là ông bác họ phía vợ tôi, nhưng chúng tôi hầu như không có quan hệ gần gũi vì ông là một người khó tính và không bình thường. Có một lần ông ăn mặc rất tề chỉnh đến thăm chúng tôi ở ngõ Quần Ngựa vào dịp đón năm mới. Ngay lập tức ông được mời xuống bếp, nơi ông có thể cảm thấy thoải mái với món rượu mùi ngâm trái phúc bồn tử. Còn tôi, khi ấy còn nhỏ, rất mê những câu chuyện ngày xưa của ông.
            Quả thật, ông bác bất hạnh của tôi có nhiều chuyện để kể. Ông trải qua hai năm khủng khiếp nhất trong đại chiến khi thành phố Leningrad bị phong tỏa và còn nhớ rất rõ món xúp nấu bằng bột hồ mà sau khi ăn xong phải uống ngay nước lạnh để không bị lồng ruột. Thậm chí, sau chiến tranh, khi bác tôi sống với cha mẹ ở Orlovshina, ông nhặt được ở đâu đó một quả lựu đạn Đức, và thế là cái kíp nổ của nó đã cướp mất của ông hai ngón tay. Lúc trẻ, ông đã thi vào Trường đại học Vật lý - Kỹ thuật ở thành phố Dongoprudny, nhưng mới chỉ được hai năm ông đã bị đuổi học vì một việc không đâu: vào đầu tháng ba năm 1953, trước một ngày khi có thông báo chính thức, một người bạn học cùng lớp trợn tròn mắt nói với ông:
            - Lãnh tụ Stalin mất rồi!!!
            - Thì cũng bình thường thôi, ông đáp lại và vì cái nhận xét ấy ông bị đứt gánh nửa chừng.
            Sau đó ông cưới một cô gái thuộc một gia đình danh giá, nhưng cuộc hôn nhân không thành công. Cô vợ trẻ tỏ ra rất khó chịu vì người chồng quá ít lời, thậm chí ngay cả trong bữa ăn đầu óc cũng để ở đâu đó với những phép tính của mình, ngoài ra ông cũng chẳng có công ăn việc làm, phải ăn bám vợ. Cô vợ tỏ ra coi thường chồng đến mức, ngay cả trong bữa sáng khi chồng hỏi “Sao hôm nay em cau có thế?” thì liền nhận được câu trả lời:
            - Hôm nay tôi nằm mơ thấy anh, - cô vợ nhăn nhó đáp, và ngay lập tức rít lên the thé:
            - Thật khốn nạn là tôi lại nằm mơ thấy anh, đồ quỷ tha ma bắt!
            Ông bác nào có lỗi gì đâu: người ta không nhận ông vào làm những công việc trí óc tử tế chẳng qua vì ông mang một cái họ Do Thái không biết là từ cha hay mẹ, nhưng bản thân ông đã Nga hóa đến mức đôi khi uống rượu say ông cũng hay gây gổ. Cuối cùng, như có một phép màu nào đó, có nghĩa là bất chấp nguồn gốc của mình, ông cũng xin được vào làm ở Trường đại học Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học trên đại lộ Lenin. Cho dù chỉ là một chân thợ điện đơn giản, nhưng đây là bước đầu tiên để ông làm nên một chiến công khoa học.
            Ban ngày ông bác của tôi làm tốt mọi việc được giao, mà cụ thể là bảo dưỡng đường dây, sửa chữa máy móc, thay bóng đèn bị cháy. Còn vào giờ nghỉ hay buổi chiều, khi trường đã vắng người, ông loay hoay trong căn phòng xép bên cạnh phòng thí nghiệm ở tầng hai với chiếc máy phức tạp do chính tay ông tự thiết kế. Có thể nói, đây chính là hình dạng hoang tưởng của một cỗ máy với vô số dây dẫn, đường ống rối rắm như một cái mạng nhện khổng lồ.
            Ý tưởng của ông cụ thể như sau: khám phá ra một hạt cơ bản, là yếu tố quan trọng cuối cùng trong bức tranh toàn cảnh về sự hình thành thế giới vật chất. Sau này, hạt cơ bản đó đã được người ta phát hiện ra nhờ lý thuyết Phá vỡ đối xứng trong tương tác điện yếu và gọi nó là “boson Higgs” theo tên của nhà vật lý đã tìm ra nó. Ở châu Âu người ta đổ ra hàng đống tiền để thiết kế một cỗ máy khổng lồ, chỉ với một mục đích là làm thỏa mãn trí tò mò nồng nhiệt của một nhóm người cuồng tín đối với lý thuyết “bonson Higgs”, được coi là nền tảng của thế giới vật chất mà nếu không có nó thì cuộc sống chẳng còn là cuộc sống nữa và rượu vodka sẽ hóa thành sinh tố cà rốt.
            Tôi e là ông bác của tôi đã chìm đắm trong cái hạt cơ bản ấy đến mức đổ bệnh tâm thần. Hai ngày liền ông ngồi bất động bên cái công trình sáng tạo của mình cho đến khi nhân viên y tế của bệnh viện tâm thần Ganuskin trên phố Potesna - nằm bên nhà tù - đến đưa ông đi. Nhân đây cũng nói thêm rằng chiếc máy đã bị cháy rụi trong quá trình thử nghiệm. Sau khi được xét nghiệm sơ bộ, ông tuyên bố đã nhận thức được đức chúa, mặc dù chưa đầy đủ.
            Ông bác khốn khổ của tôi nằm suốt hai năm trong bệnh viện, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông giữ được những hồi ức tốt đẹp về nó, thậm chí ông còn khẳng định, những người mắc bệnh tâm thần là một hội thú vị nhất mà ông từng là thành viên.
            Hôm ngồi với ông trong phòng ăn nhân dịp đón năm mới, tôi hỏi ông:
            - Chẳng lẽ bác không cảm thấy buồn chán khi phải sống lay lắt trong bốn bức tường hay sao?
            Ông đáp:
            - Chẳng có lúc nào buồn: nào là chơi cờ, thực hiện các liệu pháp, tiêm insulin, lao động bắt buộc, khách thăm, rồi ăn uống. Thật ra, ngoài những mũi tiêm insulin có thể làm cho người bình thường cũng phải phát điên, thì bác cảm thấy thoải mái như cá ở trong nước vì cuộc sống ở đó rất thú vị. Điều quan trọng nhất là từ sáng đến tối, lúc nào trong phòng cũng có những cuộc trò chuyện bổ ích, mặc dù ngay từ nhỏ bác là người vốn rất kiệm lời.
            - Nhưng các bác nói những chuyện gì trong ấy?
            - Đủ chuyện, - ông đáp. - Chẳng hạn như có ai đó lập ra một kế hoạch để cứu đại thi hào Pushkin không bị chết trong cuộc đấu súng với d’Anthes, còn y thì bị thương vào tay phải quấn băng đeo trên cổ. Kế hoạch là như thế này: việc đầu tiên là d’Anzas liên lạc với Viazemski hay là với Zukov, thông báo chính xác ngày giờ diễn ra cuộc đấu súng bên sông Đen…
            - Đúng là ở chỗ các bác có cả một đội ngũ các nhà Pushkin học!
            - Đâu chỉ có vậy, chúng ta còn nghiêm cứu cả Jordano Bruno, Dzerjinsky, rồi cả thủy quái nữa. Nhưng dù nói về chuyện gì thì mọi người cũng đều thảo luận rất nghiêm túc, nhất là khi câu chuyện có liên quan đến những vấn đề cao quý có thể làm tan nát trái tim người đàn ông Nga. Chẳng hạn như khi bàn luận về Pushkin, ai đó bỗng nhận ra, ngay hôm sau bị bắn chết, linh hồn nhà thơ đã lang thang khắp nơi dù xác của ông đang đặt ở phòng khách, còn ngoài sân thì giá lạnh khủng khiếp. Rồi có người lại nói, thi hào Chiutchev, chỉ hai tiếng sau khi qua đời linh hồn đã rời khỏi thể xác. Và thế là cuộc tranh luận lại chuyển sang đề tài cuộc sống và cái chết, chính hoàng tử Đan Mạch Hamlet đã đặt vấn đề một cách dứt khoát như vậy... Nói chung, đó là một cuộc sống bình thường và thú vị, chỉ có một điều là y học đã khóa chặt tay ta bằng những mũi tiêm insulin, còn mọi chuyện khác thì cũng không đến nỗi nào.
            Sau khi đã uống say rượu mùi, ông bác tôi biến mất cho đến tận tết năm sau, bỏ tôi lại với những suy tư nặng nề về cuộc đời này sao mà lắm điều kỳ quặc và phi lý đến thế. Bản thân tôi còn bị ức chế vì các bạn tôi rất hay đàm tiếu về phụ nữ. Riêng anh bạn Kashenko còn lên lớp với tôi một bài về nhân văn, rằng tôi đã gặp may vì không phải húp món xúp bột hồ có thể dẫn đến sự rối loạn về tư tưởng. Từ lâu, tôi luôn có cảm giác nặng nề khi bước ra đường nhìn những con phố vắng ngắt, đi cùng chuyến tàu điện ngầm với những kẻ đầu trọc, với các độc giả nữ thích đọc tiểu thuyết ướt át và với những người ăn xin tối thì nhậu xỉn, sáng ra lại phải nhâm nhi để giã rượu, rồi lang thang trong các phố vắng ở khu Arbat, lặn lội trong lớp tuyết dày đến mắt cá…
            Cùng với thời gian, tôi hiểu ra rằng, ông bác của tôi, rất có thể đã làm nên một chiến công khoa học vĩ đại nhưng đã không gặp thời, cũng giống như Popov đã sáng chế ra radio nhưng thậm chí cũng chẳng có bằng sáng chế, nói gì đến giải thưởng Nhà nước hay chiếc vương miện kim cương trao cho các vũ công ba lê. Và như vậy có nghĩa là ông bác của tôi đã hành động đúng khi tự làm cho mình những chiếc huân huy chương bằng sắt tây mà ông hoàn toàn xứng đáng được nhận. Lần khác tôi lại nghĩ: trong khi còn sống liệu tôi có nên đặt trong vườn hoa nhỏ đối diện với lối vào nhà tôi một bức tượng của chính tôi, chỉ đơn giản là vì tôi đã sống cả đời ở nước Nga.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com