Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
27/2/12

Cuộc gặp với Sarraute - Svetlana Vasilenko

Cuộc gặp với Sarraute
Svetlana Vladimirovna Vasilenko
Đào Minh Hiệp dịch

            Vào đầu thời kỳ cải tổ, khoảng năm 1989 hay là năm 1990, nữ văn sĩ người Pháp gốc Nga Nathalie Sarraute đến Moskva. Bà là một trong số những người sáng lập trường phái văn học nổi loạn đã đi vào lịch sử văn học Pháp với tên gọi “Tiểu thuyết mới”.           
            Nathalie Sarraute đến sống ở Peredelkin vùng ngoại ô Moskva, tại nhà nghỉ của bạn mình là nhà thơ Andrei Voznhesenski và vợ là nữ văn sĩ Zoia Boguslavskaia. Nhân dịp này, Zoia gọi điện mời tôi đến chơi vào ngày nghỉ gần nhất (dạo ấy chúng tôi cùng tổ chức bản thảo tuyển tập thơ văn “Amazon mới” của các tác giả nữ). Zoia còn mời cả Valerya Narbikova cùng với chồng là Ivan Ivanovich Karabutenko, giảng viên văn học Pháp của Trường viết văn.
            Vậy là vào một buổi sáng tháng năm đẹp trời, ba chúng tôi lên đường đến Peredelkin với một tâm trạng hào hứng về cuộc gặp sắp tới với một tác giả kinh điển của văn học hiện đại Pháp. Chúng tôi nghĩ, đến thăm một phụ nữ Pháp nhất thiết trên bàn ăn phải có rượu vang. Vậy là chúng tôi ghé vào chợ bên cạnh nhà ga Kiev mua một tá, cả vang đỏ lẫn vang trắng xếp đầy chiếc giỏ và ngồi lên tàu điện đến Peredelkin. Trong toa, với tâm trạng phấn khích và để tăng nhuệ khí, chúng tôi uống một chai vang đỏ rồi phân vai cho từng người: ai và sẽ nói điều gì với nữ văn sĩ nổi tiếng Sarraute. Dĩ nhiên, cây vĩ cầm chính của ban nhạc tam tấu chúng tôi sẽ là Karabutenko, người am hiểu văn học Pháp còn sâu sắc hơn cả chính người Pháp nữa.
            Còn nửa tiếng nữa mới đến giờ cuộc gặp mặt đáng nhớ.
            Và từ đây bắt đầu xảy ra các sự cố đáng tiếc. Tàu điện dừng lại ở ga Mặt Trời và không chịu chạy nữa. Chúng tôi bước xuống sân ga chờ chuyến tàu sau. Để giết thời gian, chúng tôi quyết định uống thêm một chai nữa, nhưng lần này là vang trắng. Tàu vẫn chưa đến. Chúng tôi đến xem bảng giờ tàu chạy. Hóa ra tàu đến ga Mặt Trời đúng vào đầu giờ nghỉ giữa hai chuyến tàu. Mà giờ nghỉ kéo dài tới hai tiếng rưỡi. Không biết làm gì hơn, chúng tôi ngồi trên ghế đá giữa sân ga dưới ánh nắng mặt trời tháng năm mát mẻ. Và trong lúc chờ tàu đến, chúng tôi tiếp tục nhâm nhi, từ vang đỏ đến vang trắng và thảo luận sôi nổi về hai nền văn học Pháp và Nga.
            Khi chúng tôi đến được nhà nghỉ của nhà thơ Voznhesenski, chiếc giỏ rượu gần như trống rỗng. Sự xuất hiện của bộ ba chúng tôi có vẻ hơi ồn ào, gần như lao thẳng vào nhà. Trong thời gian chờ đợi cuộc gặp, Karabutenko đã chuẩn bị sẵn một lô câu hỏi cho nữ văn sĩ Nathalie Sarraute, đến nỗi vừa bước chân qua ngưỡng cửa, thậm chí còn chưa kịp giới thiệu làm quen với người đàn bà nhỏ nhắn gày gò, mặc bộ đồ đen, choàng chiếc khăn len cũng màu đen, ông đã lao ngay vào cuộc phỏng vấn. Điều bất ngờ là bà không tự giới thiệu mình là Nathalie Sarraute mà là Natalia Ivanona, người Nga.
            - Thưa bà, bằng một giọng sôi nổi, nhà nghiên cứu văn học Pháp Karabutenko hỏi Nathalie Sarraute: Lần đầu tiên bà gặp nhà văn đồng thời là đạo diễn điện ảnh Alain Robbe-Grillet là khi nào để lập nên một trường phái văn học mới mà giờ đây đã nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi là “Tiểu thuyết mới”. Cuộc gặp đó đã diễn ra trong bối cảnh nào? Nhân đây, xin phép bà cho tôi được viết về sự kiện này.
            Nathalie Sarraute tỏ ra bối rối và càng thu mình lại trong tấm khăn choàng, bà dịch chiếc ghế của mình ra xa Karabutenko một chút và nhỏ nhẹ đáp:
            - Tôi chưa bao giờ gặp Alain Robbe-Grillet.
            - Nhưng chắc hẳn bà đã đọc cuốn tiểu thuyết “Bản đồ án cách mạng ở New York” của ông ấy? - Karabutenko hỏi.
            - Chưa, tôi chưa đọc tiểu thuyết nào của Robbe-Grillet…
            - Cứ cho là bà chưa gặp Robbe-Grillet, Karabutenko vẫn không chịu, nhưng ít ra bà cũng biết rõ nhà văn Michel Butor vì bút pháp sáng tác của ông ấy rất gần với bút pháp của bà…
            - Tôi không hề quen biết với Michel Butor, Nathalie Sarraute lạnh lùng đáp và càng dịch chiếc ghế của mình ra xa chúng tôi.
            Karabutenko nhắc đến một loạt tên tuổi các nhà văn Pháp, là những đại diện tiêu biểu cho trường phái “Tiểu thuyết mới”, nhưng Nathalie Sarraute không hề biết bất cứ một người nào trong số họ và chưa một lần trò chuyện với họ. Chỉ đến khi Karabutenko nhắc đến tên nhà văn Claude Simon, Nathalie Sarraute mới khẽ mỉm cười, bảo đúng là có một lần bà nhìn thấy Claude Simon khi ông ấy đi ngang qua bàn ăn của bà trong nhà hàng bà thường đến ăn tối. Khi ấy, mọi người mới nói cho bà biết, đó là Claude Simon, nhưng họ cũng chẳng làm quen với nhau. Đến lúc này tôi mới đưa ra câu hỏi của mình mà tôi đã kìm nén suốt từ nãy tới giờ:
            - Thưa bà Natalia Ivanona, tại sao các vị không hề quen biết nhau, không đọc tác phẩm của nhau, lại sáng lập nên cả một trường phái văn học “Tiểu thuyết mới”?
            - Chính các nhà phê bình văn học đã sáng lập ra nó. - Bà đáp. Chính họ đã đọc tác phẩm của chúng tôi, liên kết chúng lại, rồi đặt cho chúng cái tên “Tiểu thuyết mới”. Còn chúng tôi thì chẳng bao giờ gặp nhau. Chẳng có thời gian đâu mà gặp. Chúng tôi chỉ viết.
            Đến đây, bà Nathalie Sarraute không trò chuyện với chúng tôi nữa mà lùi vào trong góc. Sau khi đặt ly vang đỏ lên thành ghế bành, người đàn bà 90 tuổi chìm đắm vào những suy tư của mình, một mình nhấm nháp ly rượu, ngắm nhìn qua ô cửa sổ khu vườn tháng năm đang rộ hoa và càng thu mình lại trong tấm khăn choàng đen.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com