Cô Út Về Rừng
Sơn Nam
Má
ơi! Đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu...
Câu
chuyện xảy ra tại rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, đâu cũng vào
khoảng năm 1939 hoặc 1940 gì đó.
Trời
sáng trăng. Thường lệ cứ đến chín giờ tối là nhà ông hương Cả Ba đóng cửa ngủ sớm.
Đêm ấy, có khác. Cây đèn “măng sông” cất lâu trong tủ được đem ra lau chùi, đốt
sáng lên. Ông Cả nheo mắt, nhìn đăm đăm ra sân tìm một góc tối om nào đó mà định
thần hòng gỡ mối tơ vò rối rắm của gia đình. Ngoài sân, trăng sáng yên lành; lớp
thủy ngân xao động, nhảy nhót, gờn gợn trên lá trên cành của vườn cam, trên ngọn
tre mềm dịu đang chuyển động từng cơn.
Ông
lẩm bẩm:
-
Kìa... mà gió trở ngọn. Gió chướng qua gió nồm. Hết nắng sang mưa.
Bà
Cả lắc đầu:
-
Ông này vớ vẩn. Gả con Út hay là không? Sáng mai mình phải trả lời cho cậu Quỳnh
biết. Ở đó mà lo gió chướng, gió nồm! Hai đứa nó đâu rồi?
-
Tụi nó ở ngoài sân nói chuyện rù rì, bà không nghe sao? Thế nào tôi với bà cũng
tính cho xong xuôi nội đêm nay.
“Tính”
đây là cả một bài toán. Làm thế nào có lợi cho gia đình mình? Gả cô Út cho cậu
Quỳnh, ông bà rất đỗi vui mừng vì gặp nơi môn đăng hộ đối. Nhưng về mặt tình cảm
thì thiệt thòi quá. Gả con gái về chốn Cạnh Đền xa xăm! Tháng trước, ông xuống
đó để dò xét thân thế gia đình của đàng trai: căn nhà ngói vách ván, xung quanh
có vườn tược lai rai, xa xa nhô lên vài nhà của người Miên. Và rừng xanh một
dãy che phủ tứ phía chân trời!
Ông
đáp:
-
Tôi nhứt định gả. Hai đứa nó thương nhau từ hồi còn đi học ở Sài Gòn. Bên đàng
trai khá giả. Mình đòi bắt rể, ai mà chịu. Thôi đành vậy...
Bà
Cả thở dài:
-
Tôi ngại quá. Mình có mụn con gái. Gả đi xa xôi không nói làm gì. Ngặt xứ đó kỳ
quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm...
- Tưởng bà ngại điều gì chớ chuyện đó
thì dễ. Dân ở dưới hiền lành lắm. Bộ thiên hạ ăn thịt con gái mình sao mà nguy
hiểm?
-
Tức chết đi! Nói vậy mà không hiểu! Ông không nghe người ta hát sao?
- Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền,
Muỗi
kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.
Ông
Cả nghe qua, cười ngất hồi lâu. Bà Cả càng sôi gan:
-
Ông cười tôi nói bậy à? Ở xứ đó chạng vạng là ai nấy phải vô mùng để... ăn cơm
-
Nhưng sự thật là họ ăn cơm sớm, hồi cỡ bốn giờ chiều để khỏi cần vô mùng. Bà
nghe ai nói lại vậy?
- Ông có tài binh vực cho xứ Cạnh Đền. Dẹp
chuyện muỗi một bên, tôi bàn qua chuyện đỉa để ông có giỏi thì cãi. Nè, tôi
nghe nói... phen đó cô dâu nọ ở chợ Cần Thơ gả xuống. Cổ xuống bến làm cá, xong
xuôi đem trút vô chảo, nấu canh chua. Dè đâu chừng con đỉa đeo trong khứa cá.
Cô dâu nọ bị đuổi vì tội... nấu canh chua bằng đỉa. Oan ức quá. Xứ đỉa nhiều,
đâu ai dè trước! Tôi sợ con Út nhà mình phải bị đuổi trở về mà mang nhục với
xóm riềng.
Ông
Cả cười dòn:
-
Thiên hạ đồn nhưng có thiệt lần nào chưa? Tôi nói cho bà nghe: chuyện đó dóc. Hồi
xuống Cạnh Đền, tôi nhắc chuyện... “đỉa lềnh như bánh canh”. Thiên hạ ở dưới đó
cắt nghĩa: Cạnh Đền là nơi nước mặn gần mãn năm. Hơn nữa, ruộng ít khi cày
trâu. Làm sao có đỉa ở vùng nước mặn? Chẳng qua là mấy người đặt bài hát đưa
em, thêm nhưn thêm nhụy để bắt vần. Đỉa nhiều là ở xứ nước ngọt như Bình Thủy,
Ô Môn đây nè! Bà biết chưa. Ở đây, từ hồi nào tới giờ, có ai lỡ nấu canh chua đỉa
không? Bà chỉ cho tôi coi thử.
Bà
Cả đuối lý, cố suy nghĩ, tìm cách bảo thủ ý kiến của mình.
Sau
rốt, bà nói:
-
Gả con về rừng khổ lắm. Xưa nay, người ta hát:
Mẹ
mong gả thiếp về vườn,
Ăn
bông bí rợ dưa hường nấu canh.
“Đằng
này mình gả con về rừng... Bao nhiêu người chịu tai nạn đó rồi”.
Ông
Cả hút điều thuốc, chập sau mỉm cười, đắc thắng. Bà day lại:
-
Ông gả thì gả đi. Đường xá xa xôi làm sao nó về thăm mình được. Nãy giờ tôi
quên nói chuyện đó.
-
Dễ ợt. Miễn con gái của mình có hiếu... Gả con... ở trong nước Việt Nam chờ qua
bên Tây bên Tàu gì sao! Một khi quên cha quên mẹ thì dầu ở kế bên nhà nó cũng
không thèm về thăm. Tôi thì tôi tin con Út lắm. Công cha mẹ nuôi dưỡng, cho đi
ăn học lẽ nào nó quên.
Bà
Cả bỏ đi chỗ khác, nói lại một câu:
-
Để coi nó nhớ hay quên! Xuống miệt Cạnh Đền, muỗi ăn thịt nó. Nó bỏ thây ở dưới,
hai ba năm chưa chắc về thăm mình được một lần. Lần hồi mất gốc rễ, nó nhè lấy
tên mình, đặt trùng lại cho con cháu của nó mà không hay.
-
Tại sao vậy? Bà này vô lý quá...
Tuy
cãi lời bà, trong thâm tâm ông cảm thấy chút gì buồn bực đuối lý. “Ông có lý luận
đúng, nhưng bà... không lẽ nói sai”. Nghĩ vậy, ông lại nằm nơi ghế trường kỷ, lẩm
bẩm:
-
Ông Tơ xếp đặt rồi. Phận con Út vậy đành vậy.
Thế
là tháng chạp năm đó, nhà ông Cả treo bông kết tuội để gả con, giữa tiếng dị
nghị của bao chàng trai tơ ở rạch Bình Thủy.
Cô
Út về làm dâu đất Cạnh Đền.
Hai
năm qua.
Ba
năm qua...
Chuyến
đầu, đôi vợ chồng về thăm ông Cả bà Cả, đèo theo một đứa con gái nhỏ... sổ sữa
dễ thương.
Chuyến
sau họ về, lại thêm một đứa gái. và một đứa thứ ba nữa đang nằm trong bụng mẹ.
Hai
ông bà quá đỗi vui mừng.
Nhưng
liên tiếp mấy năm sau họ bặt tin, ngày Tết ngày giỗ cũng chẳng về. Lo ngại quá!
Có chuyện gì xảy ra bất lành không?
Hai
ông bà muốn xuống Cạnh Đền thăm con nhưng ngại mình già sức yếu, đường xa xôi,
phải vượt qua sông Cái Lớn. Nằm đêm, lắm khi bà khóc lóc mà trách ông:
-
Tôi nói muỗi rừng ăn thịt hai đứa nó rồi. Xứ gì mà muỗi kêu như sáo thổi. Không
đau bịnh rét thì cũng chói nước lớn bụng mà chết... Hồi đó ông cãi tôi, nhớ
không?
Ông
Cả vô cùng buồn bực. Nhứt là khi nghe con nít chòm xóm hát đưa em:
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu?
Mỗi
khi tiết trời lập đông là cơ thể rêm nhức, tuổi già của ông càng đè nặng hai
vai. Nảo nuột quá những câu hát:
Một
mai ai đứng bên kinh,
Ai
phò giá triệu, ai rinh quan tài?
Bên
kinh đã có con trai,
Giá
triệu con gái, quan tài nàng dâu
Hỏi
nào chàng rể ở đâu?
Chàng
rể uống rượu đi sau nói xàm...
Ông
nhìn trời. Ngày nào đó ông chết, con gái không về kịp để phò giá triệu, càng
không có chàng rể. Nhưng ông tin tưởng rằng đứa rể của ông ở vùng Cạnh Đền xa
xôi kia, giờ phút này đang cặm cụi làm ăn nhớ cha mẹ vợ, không bao giờ uống rượu
nói xàm vì chàng là kẻ có ăn học. Suốt tháng ngày, ông chống gậy đi quanh quẩn
bên gốc tre già ở mé sông, mắt mòn mỏi nhìn bóng dáng các ghe thương hồ qua lại.
Trời
đất nào phụ kẻ có lòng như ông!
Mãi
đến buổi trưa đó, có chiếc ghe chèo chậm chậm ngang bến. Chồng trước mũi hỏi vợ
sau lái:
-
Phải chỗ cây mù u này không? Cậu Quỳnh nói nhà bên vợ ở đâu đây.
Chị
vợ đáp:
-
Không chừng... Đúng quá, cách ngã ba, qua hai cây cầu khỉ, nhà ngói có vườn
quít.
Anh
chồng ngó tới ngó lui, cãi lại:
-
Mình mới qua một cây cầu. Chèo tới trước chỗ cây cấu khỉ, đằng kia kìa, họa
may...
Ông
Cả cố gom tất cả sức già, la lớn:
-
Ở đây nè, bà con ơi! Nhà vợ thằng Quỳnh ở đây nè...
Ghe
đậu lại. Hai vợ chồng nọ được mời lên ăn cơm với thịt gà tại bộ ván gõ giữa nhà
ông Hương cả. Trong đời, họ chưa bao giờ được hân hạnh lớn như vậy! Ông Cả, bà
Cả, người lối xóm xúm lại hỏi nhiều câu quá. Họ bối rối, trả lời vắn tắt:
-
Dạ, vợ chồng cậu Quỳnh mạnh khỏe. Nhờ trời sanh được sáu đứa con. Bốn đứa sau đều
là con trai.
Bà
Cả mừng quýnh:
-
Úy! Bộ con Út đẻ năm một sao? Con nhỏ đó thiệt giỏi!
Khách
trả lời:
-
Dạ, đẻ năm một. Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng. Mẹ tròn con vuông. Hồi tôi
đi đây, cô Út gần nằm chỗ một lần nữa. Thưa ông bà, miệt dưới ai cũng vậy. Như
vợ chồng cháu đây có tám đứa con.
-
Sao vậy cà? Sao vậy cà? Ở dưới cỡ này ra sao mà thiên hạ đẻ nhiều quá vậy?
Khách
ngượng nghịu, chập sau mới nói:
-
Dạ ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả nhà, vợ chồng con cái rút vô
mùng... nói chuyện. Ít ai đi đâu.
Ai
nấy phá lên cười to. Đến lúc bấy giờ, ông Cả bà Cả mới hiểu thêm một sự bí mật
quan trọng của tiếng “muỗi kêu như sáo thổi” ở Cạnh Đền. Nó làm hại sức khỏe
con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi.
Để
đánh trống lảng, ông nói:
-
Ừ! Phải vậy mới được. Xứ mình cần có dân đông để tạo lập thêm ruộng vườn, khai
phá đất hoang.
Bà
Cả nóng ruột:
-
Anh chị đây có nghe vợ chồng nó nhắn chừng nào đem mấy đứa cháu ngoại của tôi về
cho biết mặt?
Khách
trả lời:
-
Dạ không nghe. Con cái lũ khũ cả bầy, chắc vợ chồng cậu Quỳnh khó đi xa. Năm rồi
mùa màng thất bát, ai cũng lo tay làm hàm nhai để nuôi con. Sông Cái Lớn mấy
năm nay lại thêm sóng gió bất thường.
Bà
thở dài, nói như rên siết:
-
Nhớ mấy đứa nhỏ quá. Ông ơi! Hồi đó ông cãi tôi...
Ông
Cả im lặng, nghĩ đến cái ngày gần đất xa trời của mình. Nó không còn bao xa nữa.
Ngày đó, ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Nhìn bụi tre già dưới bến mà ông tủi
thân: Măng non mọc kề bên gốc. Phận ông có khác; con gái, con rể và đám cháu
ngoại ở chốn xa xôi kia làm sao được gần gũi để ông thấy mặt lần đầu - và cũng
là lần chót - khi ông tàn hơi. Nước mắt muốn tươm ra, ông cố dằn lại. Ông hiểu
đời ông chưa tới mức đen tối, còn chút ánh sáng lập lòe trong tương lai vô biên
vô tận:
-
Ờ... ở dưới nó có lập vườn chưa? Lát nữa, anh chị chịu khó chở về dùm cho vợ chống
con Út một gốc tre Mạnh Tông để làm giống. Chừng thấy măng non cận gốc già, mấy
đứa cháu của tôi luôn luôn nhớ ông ngoại bà ngoại nó trên Bình Thủy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com